Tuesday, July 13, 2010

Cam On Anh Nguoi Thuong Binh VNCH / Hay Tham Du DNH Cam On Anh IV 15.8.2010



Hội của 'Hàng chục ngàn người 'bên ngoài' giúp hàng chục ngàn người 'bên trong'
Wednesday, July 07, 2010 Bookmark and Share

Thăm Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh-Quả Phụ VNCH
Ngọc Lan/Người Việt


WESTMINSTER (NV) - “Nếu cứ vì một hai lời nói chỉ trích mà mình buồn lòng bỏ cuộc thì ai sẽ làm đây? Ai sẽ giúp cô Hạnh Nhơn đây?”
“Rất vui khi những việc mình làm giúp ích được cho các thương phế binh, rồi cũng là giúp cho chị Hạnh Nhơn. Bởi chị đã lớn tuổi như vậy mà vẫn còn làm, nếu mình mà nghỉ thì sẽ thấy tội lỗi lắm, nên cứ tiếp tục hoài.”
Ðó là những lời chia sẻ của cô Tú Quỳnh, cô Ðào, và nhiều người nữa, những người đã gắn bó bền bỉ suốt bao năm qua cùng Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh - Quả Phụ VNCH do bà Hạnh Nhơn làm chủ tịch.
Một không khí làm việc 'lạ lùng'
Tôi đến thăm nơi làm việc của hội, cũng chính là nhà riêng của bà Hạnh Nhơn, để tận mắt thấy không khí làm việc “lạ lùng” của họ, những người trong Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh-Quả Phụ VNCH.
Không lạ lùng sao được, khi biết rằng những người điều hành công việc giúp đỡ, bảo trợ cho gần 18 ngàn thương phế binh và quả phụ nơi quê nhà từ bao nhiêu năm qua, chỉ là một nhóm chưa đầy 10 “cụ ông, cụ bà,” như lời một người trong nhóm nói, bởi người trẻ nhất trong số họ cũng đã cập kề... 65.
Những người trong Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh-Quả Phụ VNCH đang làm công việc sổ sách giúp đỡ thương binh, quả phụ còn nơi quê nhà và chuẩn bị cho Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh lần 4” vào ngày 1 tháng 8 tới đây. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Chú Ức, một cựu trung tá Không Quân, gò chữ trên từng phong bì gửi thư cám ơn và biên nhận thu tiền đến mỗi ân nhân, “dù chỉ $10, $20 vẫn phải gửi lời cám ơn.”
Cô Hạnh Nhơn, người góa phụ với gương mặt phúc hậu đã 83 tuổi, miệt mài viết từng tấm thiệp mời gửi đến các hội đoàn, mạnh thường quân, mời họ cùng đến dự Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh lần 4.”
Cô Thanh Thủy, một “Thiên Nga bị 13 năm tù” trước đây, tỉ mỉ ghi chép, xem xét lại danh sách khoảng 5,000 quả phụ cần được giúp đỡ trong thời gian tới.
Cô Ðào, vợ chú Ức, một thiện nguyện viên nhiệt thành, chăm chú vào sổ những hồ sơ mới gửi tới, dò xem có hồ sơ nào bị trùng lắp không.
Cô Tú Quỳnh, 17 năm gắn bó cùng hội, cùng cô Hạnh Nhơn, đi lấy thư từ hộp thư về, rồi lần giở những lá thư cám ơn, thư yêu cầu giúp đỡ, từ khắp nơi gửi về để xem mình phải nên làm gì.
Chú Tiến, một cựu sĩ quan Không Quân, mày mò gõ những số liệu từ các quyển sổ viết tay vào máy vi tính để có thể “lưu giữ lâu dài hơn.”
Mỗi người một việc. Họ làm chăm chỉ, vào mỗi Thứ Hai và Thứ Tư hằng tuần, từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Có người làm việc tại nhà. Có người còn phải ôm thêm hồ sơ về nhà làm tiếp, khi thấy không xong. Ròng rã suốt nhiều năm như vậy, không thù lao, không nề hà một lời cám ơn.
Có người đã làm cả 17 năm, như cô Tú Quỳnh, có người vài năm như cô Thủy, chú Ức, cô Ðào, có người vài tháng như chú Tiến. Lý do làm việc của họ thật đơn giản: “Thấy mọi người làm cực quá thì mình vào giúp chứ làm sao bây giờ.”
Tiền của thương binh, quả phụ, không được xài bừa bãi
Giọng Huế nhỏ nhẹ, cô Hạnh Nhơn cho biết: “Hội bắt đầu có từ năm 1992, khi những người HO sang, mang theo danh sách của một số thương phế binh còn ở quê nhà.”
Bà Hạnh Nhơn, người chủ tịch Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh-Quả Phụ VNCH, đã 83 tuổi vẫn miệt mài “còn thở là còn làm việc” vì thương binh, quả phụ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Cô kể, khi mới qua thì chưa ai có tiền, đến lúc có việc làm, có tiền, những người HO bắt đầu gửi chút ít về cho đồng đội kém may mắn còn kẹt lại quê nhà. “Tiếng lành đồn xa,” sự giúp đỡ lan truyền ra, từ vài người, lên đến hàng trăm, rồi lên hàng ngàn. Và họ bắt đầu xin phép lập hội, “đến năm 1993 thì Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh-Quả Phụ VNCH chính thức hoạt động.”
Cô Hạnh Nhơn, người chủ tịch đương nhiệm, làm việc với hội từ năm 1996, đến 2006 thì bắt đầu làm hội trưởng đến nay.
Sau 17 năm, hiện số thương binh quả phụ mà hội giúp đỡ đã lên đến con số 18, 19 ngàn người. Bên cạnh đó, với mục tiêu và uy tín của mình, hội nhận được sự giúp đỡ của mấy mươi ngàn ân nhân từ khắp mọi nơi.
“Có người tội lắm, mỗi tháng $20, $50 thôi, nhưng tháng nào cũng gửi, rồi có người $100, vài ba trăm, có khi cả ngàn. Lòng của ân nhân thiệt là rộng rãi.” Cô Hạnh Nhơn nhận xét.
Mỗi tuần, trung bình hội nhận được từ khoảng $1,500 đến $2,000 tiền của các ân nhân gửi tới. “Nhờ đó mới có thể gửi về cho mọi người khi cần thiết.” Chủ tịch hội nói.
Tùy theo từng trường hợp của mỗi người mà hội sẽ gửi về cho $200, $100 hay $50. Số tiền đó có thể không là bao so với nhiều người, nhưng trong nhiều trường hợp, lại như một cứu cánh giúp ai đó thoát khỏi cuộc sinh tử.
Cô Tú Quỳnh kể có trường hợp một gia đình nhận được $100. Họ gửi thư sang cám ơn, và nói: “Cả gia đình đã quỳ xuống lạy tạ ơn trời đất và hội đã cứu giúp họ.” Cô Quỳnh nghẹn giọng: “Chính những điều đó mà khi làm công việc này rồi thì không dứt ra được.”
Tiền nhận được, có thủ quỹ mang bỏ vào nhà băng. Mỗi trường hợp ký cho ai, đều có giấy hồi báo hẳn hoi. “Những tấm 'check' đầu tiên vẫn còn được chúng tôi giữ đến bây giờ.” Cô Hạnh Nhơn cho biết.
Có trường hợp thư gửi đến xin giúp đỡ nhưng lại không phải là thương binh hay quả phụ, nên “Hội không có quyền lấy tiền đó ra cho.”
Không cho bằng tiền dành cho thương binh quả phụ, nhưng cũng không thể làm ngơ được, vậy là những người “ăn lương Obama để làm thiện nguyện” đó tự móc tiền túi ra để giúp đỡ.
Họ cứ làm như thế.
Không vì một điều gì.
Chỉ đơn giản, “mình không thể làm ngơ khi đã biết có người bất hạnh hơn mình.” Những người trong hội đã nói, và làm như vậy.
“Ai mà không buồn khi nghe lời chỉ trích, nhưng ...”
“Cảm nghĩ của các cô chú là như thế nào khi nghe có nhiều lời ra tiếng vào, đàm tiếu, dị nghị về công việc của hội?” tôi hỏi.
“Buồn lắm chứ, nhưng thôi kệ, cứ nghĩ mình đi trên một con đường mà chỉ vì vài cái gai đâm vào chân mà mình bỏ cuộc thì mình thất bại quá. Hơn nữa chỉ vì những lời không hay kia, mình buông ra, không làm nữa thì ai sẽ giúp những người thương phế binh đây?” Cô Tú Quỳnh trả lời.
Cô tâm sự, lúc mới làm công việc này, cô không thấy có gì “hấp dẫn” cả. Nhưng về sau cứ đi nhận thư, đọc thư thấy có nhiều trường hợp thương tâm tội nghiệp quá, cô nói: “Thấy mình may mắn đã thoát qua đây, trong khi những người thương binh kia bị tàn phế khi tuổi đời còn rất trẻ, rồi mang thương tật đó suốt cuộc đời. Nên tôi càng làm càng lún sâu, không dứt ra được.”
Chú Tiến, người đang làm công việc “vi tính hóa” những sổ sách xưa nay, xúc động nói: “Tôi là cựu quân nhân Không Quân, và tôi vẫn cảm thấy mình chưa tròn trách nhiệm của một quân nhân nên thấy mấy anh chị em ở đây hy sinh như vậy, lại nghĩ đến bạn bè mình còn ở lại Việt Nam, thấy những tình cảnh đáng thương như vậy nên có thì giờ tôi tình nguyện lên đây, làm được gì thì cứ làm.”
Chú Tiến nhắc đi nhắc lại niềm mong mỏi “có anh em nào khá về computer hay có lớp trẻ đứng ra phụ giúp một tay” để mọi việc dễ dàng hơn cho những “cụ ông cụ bà” này.
Nếu những người khác tham gia làm thiện nguyện một mình, thì chú Ức “thấy mọi người làm việc cực quá, nên về bàn với vợ: ‘mình cũng đã về hưu, thôi thì rủ nhau đến phụ một tay, dù tôi không phải là người H.O’”
“Tôi làm công việc này vì những chiến hữu của mình, vì biết đâu có những anh em từng ở cùng đơn vị với mình trước đây giờ còn kẹt lại quê nhà.” chú Ức suy nghĩ.
Không chỉ có cô Quỳnh, mà tất cả mọi người đều cho biết “là người, khi nghe những lời không đúng, ai lại không buồn,” và “khóc nữa” vì “tức nghẹn.” Và đâu chỉ dừng lại ở những lời nói vu vơ, có người còn lên báo với sở thuế để đến kiểm tra công việc của hội.
Cô Hạnh Nhơn kể: “Người đến thanh tra xem xét kỹ càng tất cả hồ sơ, từ tấm check của thuở đầu tiên, đến tất cả mọi thứ giấy tờ đều được hội giữ lại. Thư từ, hồi báo, có đủ hết. Ðiều đó chứng minh được sự minh bạch của mình. Giờ thì có lẽ đã hiểu hết rồi.”
Cô Ðào nhẹ nhàng nói: “Nhiều lúc nghe nói cũng ức cũng khóc. Nhưng nếu cứ vì một hai lời nói mà mình buồn lòng bỏ cuộc thì ai sẽ làm đây? Ai sẽ giúp cô Hạnh Nhơn đây? Năm nay cô ấy cũng đã 83 tuổi rồi.”
Và, như một dòng chữ trong bức thư cám ơn của một thương binh gửi đến từ quê nhà đã viết, “Việc làm của hội khiến những thương phế binh chúng tôi không còn mặc cảm bị bỏ rơi.”
Bấy nhiêu đó, đủ là nguồn động viên giúp họ, những người trong Hội HO Cứu Trợ Thương Binh-Quả Phụ VNCH âm thầm làm việc miệt mài, cần mẫn, nhất là để chuẩn bị cho đại nhạc hội 'Cám Ơn Anh lần 4” sẽ được tổ chức vào ngày 1 tháng 8 tới đây.

No comments: